Category Archives: Uncategorized

TRĂM KẾT NỐI MỘT ĐIỀU HÀNH

Theo dự báo, tới năm 2020 sẽ có 56 tỷ thiết bị được kết nối vào mạng Internet. Mạng internet của vạn vật (internet of Everything) là sự kết nối thông minh giữa con người, quy trình, dữ liệu và sự vật. Nắm bắt và tạo dựng mạng internet của vạn vật sẽ giúp người làm công tác điều hành thuận lợi hơn rất nhiều so với hiện nay.

Nghiên cứu của IDG cho thấy, trong năm 2012, số lượng các thiết bị di động tại Việt Nam đã tăng khoảng 33%. Con số này vẫn trên đà tăng và hứa hẹn sẽ nhân gấp đôi vào năm 2017. Không chỉ tăng thiết bị, theo bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó trưởng Ban Viễn thông VNPT, thị trường ICT Việt Nam theo xu hướng phát triển về mặt nội dung.

Về cơ bản, sóng 3G đã phủ khoảng 70% dân số. Nếu như trong năm 2012, dung lượng lưu thông trên mạng 3G chỉ trung bình 1,9 G/tháng thì trong ba tháng đầu năm 2013, con số này đã lên đến 32,8 G/tháng. “Trong khi dung lượng thoại ngày càng giảm thì nội dung khác lại tăng rất nhanh”, bà Thanh Mai nhận xét.

Theo ông Lâm Nguyễn, Tổng giám đốc IDG Việt Nam, việc tăng thiết bị lẫn nội dung tại Việt Nam theo cùng xu hướng thế giới. “Trong bối cảnh internet của vạn vật, mạng thông tin có thể kết nối mọi thứ, doanh nghiệp (DN) muốn bứt phá cần phải thay đổi phương cách kinh doanh”, ông nhấn mạnh.

Theo báo cáo thường niên Ciscos Global Cloud Index, lưu lượng trung tâm dữ liệu đám mây khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ tăng hơn 7 lần vào năm 2016, và báo cáo Ciscos Visual Networking Index dự đoán lưu lượng dữ liệu trên các thiết bị di động trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ đạt 5.256.979 Terabyte (hay 5,26 Exabyte) trong một tháng vào năm 2017, tương đương 1,314 triệu DVD mỗi tháng, hay 14,487 triệu tin nhắn mỗi giây.

Đồng quan điểm, ông Ross Fowler, Phó chủ tịch phụ trách Phân khúc thị trường và Kiến trúc Khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Nhật Bản – Cisco Systems, cho biết, nếu như 7 thập kỷ trước chưa có điều kiện ứng dụng internet vào sản xuất thì nay điều kiện ấy đã hội tụ.

Trong tương lai, internet sẽ được đưa vào sản xuất để tạo ra các giá trị mới cho ngành sản xuất. “Khi hội tụ hai nền tảng internet và tự động hóa vào với nhau, nghĩa là kết nối khối văn phòng trực tiếp vào khối sản xuất, DN có thể đạt mức tăng giá trị rất lớn. Số bình quân tăng lợi nhuận có thể lên đến 25%”, ông Ross khẳng định.

Theo ông Ross, một mạng lưới thông minh sẽ giúp hoạt động kinh doanh hiệu quả và là điểm gặp gỡ của nhân viên, khách hàng và đối tác. Do vậy, trong tương lai không xa, các tổ chức sẽ có nhiều ứng dụng đa dạng hơn trên nền tảng đám mây trên nhiều loại thiết bị di động khác nhau theo xu hướng các công nghệ di động, truyền hình, đám mây hiện đại…

Ông Ross Fowler chia sẻ: “Với việc kết nối internet, các DN có thể dự báo được thời điểm thoái trào để phát minh lại DN của mình trên nền tảng mới. Như vậy, DN có thể tránh được cơn suy thoái. Điều quan trọng hơn cả là việc đầu tư cho sự kết nối này có thể hoàn vốn sau 2 năm khai thác”.

Trong bối cảnh chung, xu hướng internet của vạn vật vô tình lại là lợi thế của các quốc gia mới phát triển. Bởi, so với chi phí đầu tư, nâng cấp của các DN ở các quốc gia đã phát triển, đã có hệ thống công nghệ chỉn chu, việc đầu tư xây mới hoàn toàn thuận lợi và kinh tế. Giá trị đầu tư cũng chỉ tương đương với mô hình xây dựng DN cũ.

Ông Chet Namboodri, Giám đốc Điều hành – Các giải pháp dành cho ngành sản xuất toàn cầu – Cisco Systems, phân tích: “Việt Nam đang là đích đến của các ngành sản xuất trên thế giới. Khi các DN lớn đến Việt Nam, họ sẽ mang theo cùng một nền tảng sản xuất dựa vào internet để tăng lợi thế cạnh tranh”.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Ngọc Ấn, Trưởng Ban dự án D.M.E, Tổng công ty Bia Rượu Sài Gòn Sabeco, việc tận dụng lợi thế công nghệ thông tin (CNTT) vào sản xuất tại Việt Nam cũng gặp những trở ngại nhất định từ phía DN nhà nước.

Nếu như DN tư nhân rất muốn đầu tư để tăng cạnh tranh nhưng không phải DN nào cũng có đủ quy mô tài chính để triển khai, thì DN nhà nước bị ngăn bởi rào cản cơ chế, chính sách.

Internet kết nối vạn vật là sự kết nối thông minh giữa con người, quá trình, dữ liệu và vật thể. Hiện nay, hơn 99% vật thể trong thế giới vật chất vẫn chưa được kết nối. Dự đoán tới năm 2020 sẽ có 56 tỷ thiết bị được kết nối tới mạng internet.

Kết quả IDG khảo sát, có đến 95% DN tỏ ra ủng hộ xu hướng trang bị internet để kết nối các yếu tố trong dây chuyền của mình nhưng thực tế chỉ có 20% có chính sách chính thống để triển khai.

Tính cởi mở đón nhận xu hướng mới của người điều hành cũng là rào cản. “Sự nắm bắt của giám đốc điều hành về công nghệ rất quan trọng. Tân Hiệp Phát đã ứng dụng mobile để bán hàng, kiểm soát được nhân viên. Ứng dụng CNTT giúp họ không còn giới hạn không gian và thời gian làm việc”, ông Ấn chia sẻ.

Với dân số hơn 88 triệu người, trong đó gần 31 triệu người sử dụng internet đại diện cho 35% dân số, và 16 triệu người sử dụng internet qua mạng 3G, tương đương với khoảng 18% dân số, Việt Nam được đánh giá là một thị trường tiềm năng cho các công ty trên toàn thế giới. Tuy nhiên, thế giới của chúng ta đang thay đổi.

Phương thức làm việc của chúng ta trong một vài năm tới sẽ rất khác so với cách chúng ta đang làm ngày hôm nay. Tốc độ thay đổi sẽ nhanh hơn rất nhiều so với những gì chúng ta đã thấy trong 15 năm vừa qua khi internet bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam.

“Điều này sẽ dẫn đến một cuộc cách mạng trong sản xuất lẫn kinh doanh mà nếu DN chủ quan, không kịp thời nắm bắt sẽ có nguy cơ bị bỏ lại phía sau”, ông Nguyễn Trường Sinh, Tổng giám đốc Cisco Systems Việt Nam, nhấn mạnh.

(Sưu tầm)

http://noisachsachnoi.wordpress.com

CỬA HẸP TRÍ THÔNG MINH

Các công ty toàn cầu cần cạnh tranh trong tất cả các thị trường? 64% các công ty đã đồng ý với chiến thuật này trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng đã khiến nhiều công ty dứt khoát hơn trong việc rút lui khỏi nhiều thị trường.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng đã khiến nhiều công ty dứt khoát hơn trong việc rút lui khỏi nhiều thị trường. Theo một cuộc khảo sát năm 2012, 22% các công ty châu Âu ở Trung Quốc đang xem xét phương án thu hẹp thị trường.

 

Phân tích của Global Fortune 100 cho thấy một xu hướng giảm cổ phần sở hữu trong các chi nhánh quốc tế của nhiều công ty đa quốc gia. Dưới đây là năm kỹ thuật công ty thông minh đang sử dụng để thu hẹp trọng tâm và điều chỉnh chiến lược thị trường toàn cầu.

Cắt giảm. Nhiều chi nhánh của nhiều công ty đa quốc gia đã không duy trì được tốc độ tăng trưởng mong đợi. Hậu khủng hoảng, với chi phí vốn thường cao hơn và dự báo tăng trưởng thấp hơn, nhiều công ty quyết định cắt giảm chi phí để cải thiện doanh số chung.

Điển hình trong làn sóng này là trường hợp của Avon đã quyết định rút khỏi Hàn Quốc và Việt Nam để cắt giảm 400 triệu USD trong 3 năm tới.

Thu cầu. Đây là ý tưởng cắt giảm không chỉ dựa trên hoạt động tài chính, mà còn cắt giảm chi phí và độ phức tạp trong quản lý doanh nghiệp. Chẳng hạn, Hãng Dược phẩm Ấn Độ Reddy thu hẹp thị trường thứ cấp từ 36 còn 5 bằng cách sử dụng một mô hình dành ưu tiên cho những thị trường cùng quy mô.

Gần nhà. Toàn cầu hóa đã không xóa các mối quan hệ đặc biệt ràng buộc các quốc gia trong cùng khu vực. Vì vậy, các công ty tìm kiếm thị trường quốc tế hiện nay thường có xu hướng “gần nhà” để tối ưu hóa chi phí quản lý.

Chẳng hạn, Ngân hàng Standard của Nam Phi “thắt chặt” chiến lược để tập trung vào châu Phi hơn là trên các thị trường mới nổi thông qua thương vụ bán chi nhánh tại Argentina, cắt giảm ở châu Âu, đồng thời mở rộng ở Kenya, Angola, Zambia và Ghana.

Mới nổi. Kể từ khi khởi đầu của cuộc khủng hoảng, thị trường mới nổi không chỉ chiếm 38% GDP của thế giới, mà còn 79% tăng trưởng GDP và cho tất cả sự tăng trưởng thương mại hàng hóa! Sự thay đổi lớn này đặt ra câu hỏi nghiêm túc cho các công ty đa quốc gia phương Tây và các công ty quan tâm đến kế hoạch mở rộng thị trường quốc tế.

Tập trung. Ngay cả một công ty duy trì thị trường rộng khắp toàn cầu cũng hữu ích khi xác định được các thị trường trọng điểm. Sự “thu hẹp” này có thể giúp công ty tập trung vào việc triển khai các nguồn lực hạn chế, bao gồm cả sự chú ý quản lý.

Ví dụ, HSBC xác định được 20 thị trường trọng điểm bên ngoài của hai “ngôi nhà” ở Anh và Hồng Kông. Trong khi HSBC hoạt động tại 85 quốc gia nhưng 22 thị trường trong số này tạo ra 92% lợi nhuận của tập đoàn.

(Sưu tầm)

http://noisachsachnoi.wordpress.com

XỬ TRÍ VỚI KHÁCH HÀNG TRÊN MẠNG XàHỘI

Thời gian qua đã xuất hiện một lực lượng khá đông khách hàng khó tính thích sử dụng truyền thông xã hội để trút sự tức giận của họ về chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ của các doanh nghiệp. Đôi lúc, họ tỏ ra quá đà nên lời bình luận hoặc nhận xét của họ mang tính đả kích hơn là lời góp ý chân thành.

Việc khách hàng nổi giận có thể gây nguy hiểm đến uy tín của doanh nghiệp, do đó tốt nhất là phải có biện pháp đối phó hiệu quả. Có thể thấy hai nhóm khách hàng không hài lòng thường bày tỏ sự bực dọc của họ thông qua mạng xã hội là:

– Một số người kỳ vọng về trải nghiệm tốt với sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp, nhưng trên thực tế, họ lại phải hứng chịu chất lượng tồi tệ và vì vậy chỉ muốn trút bỏ nỗi bực dọc và tìm kiếm một giải pháp thay thế hoặc đơn giản hơn là muốn nhiều người thấu hiểu nỗi buồn đó.

– Một số người chủ động sử dụng mạng truyền thông để thuyết phục những người khác không hợp tác với doanh nghiệp nào đó. Họ rất muốn có thêm người hưởng ứng và từ đó lôi kéo những ai cùng quan điểm nhảy vào cuộc chiến.

Nếu gặp phải hai loại khách hàng khó tính trên, bạn sẽ ứng xử với họ ra sao để khiến họ từ đối nghịch trở thành bạn bè, thậm chí là khách hàng trung thành? Những động thái dưới đây sẽ giúp bạn cách hóa giải được nhiều trường hợp gay cấn.

1) Trả lời ngay. Nếu cứ yên lặng để khách hàng khó tính chờ đợi sự phản hồi của doanh nghiệp thì họ sẽ càng trở nên bực tức và nhiều điều không hay càng có cơ hội nảy sinh. Hãy sớm cho người ấy biết rằng bạn đã biết có trục trặc xảy ra và đang cố gắng xử lý nó.

2) Không bao giờ tỏ ra giận dỗi hoặc bận tâm trước những lời giễu cợt, chê bai. Đừng đáp trả khách hàng khó tính bằng phản ứng tiêu cực. Hãy khéo léo xử trí vấn đề, tỏ ra đồng cảm với những lời phê phán và thể hiện thái độ không chấp nhận chất lượng hàng hóa hoặc dịch vụ yếu kém.

3)Tỏ ra kín đáo trong việc hồi đáp ý kiến của khách hàng. Cách tốt nhất là bạn yêu cầu nhân viên chịu trách nhiệm quản lý miền cộng đồng của doanh nghiệp phải ký tên dưới mỗi dòng đăng tải (post trên Facebook và tweet trên Twitter) và ghi rõ họ tên.

4)Chứng tỏ sự cố gắng trong việc tìm kiếm biện pháp khắc phục sự cố. Hãy làm cho khách hàng khó tính biết rằng bạn đang làm mọi điều có thể để có biện pháp hợp lý giúp họ thoát khỏi tình huống không mong muốn. Sau khi giúp khách hàng lấy lại bình tĩnh, bạn phải quan tâm giải quyết vấn đề mà người ấy gặp phải, không được phép hứa suông.

5)Nếu thấy cần thiết, hãy dành thời gian để trực tiếp trao đổi ý kiến với khách hàng. Nên viết thư trực tiếp trên Twitter, Facebook hay LinkedIn hoặc gửi email nếu bạn muốn khách hàng hiểu rõ hơn những chi tiết của vấn đề. Tất nhiên, trước đó bạn đã đưa ra ý kiến phản hồi công khai trên thế giới mạng để mọi người biết rằng bạn đang quan tâm đến điều mà khách hàng khó tính bày tỏ.

Một khi bạn tìm được giải pháp phù hợp để làm hài lòng khách hàng khó tính, hãy đăng tải nó trên các mạng xã hội vì nếu không sẻ chia kết quả thì không ai biết rằng bạn đã giải quyết xong tình huống. Hơn nữa, đó cũng là cơ hội để chứng minh rằng doanh nghiệp của bạn luôn cố gắng dùng mạng xã hội để kết nối với mọi khách hàng.

Nếu ý kiến phàn nàn của khách hàng vẫn còn dai dẳng thì tốt nhất là kiên trì thuyết phục với thái độ thật nhã nhặn. Có thể gửi tặng cho người ấy một món quà nhỏ để tỏ thái độ thông cảm và trân trọng. Mọi người theo dõi đối thoại của bạn và khách hàng khó tính sẽ thấy rằng bạn đang làm mọi thứ có thể để giải quyết tình huống, chứ không phải tranh cãi với khách hàng vì khách hàng bao giờ cũng có lý.

(Sưu tầm)

http://noisachsachnoi.wordpress.com

DOANH NGHIỆP VIỆT VỚI TINH THẦN OLYMPICS

Olympic 2012 vừa kết thúc đã để lại cho chúng ta rất nhiều bài học sâu sắc. Đó là khả năng tổ chức tuyệt vời của người Anh.

 

Các siêu phẩm trong lễ khai mạc và bế mạc là màn PR tuyệt với của Liên hiệp Anh về đất nước, văn hóa, con người họ đến khoảng 4 tỷ lượt người xem truyền hình trên thế giới.

Bên cạnh đó, qua kỳ Olympic này, chúng ta cũng thấy được tinh thần thể thao đậm nét trong các môn thi đấu. Những VĐV như Natalia Partyka ở bộ môn bóng bàn, Oscar Pistorius trên đường chạy, hay VĐV “mù” Im Dong- Huyn (chỉ có thị lực 1/10) người Hàn Quốc ở bộ môn bắn cung chính là những ngọn đuốc cháy sáng về tinh thần thi đấu, về khát vọng sống. Và chính những ngọn đuốc ấy đã làm sáng lên tinh thần Olympic truyền thống: một tinh thần vượt khó, một tinh thần đoàn kết, hòa hợp giữa con người với con người.

Oscar Pistorius trên đường đua

Ngoài ra, tinh thần thi đấu trung thực cao thượng (fairplay), tinh thần tôn trọng khán giả, tôn trọng trọng tài, tôn trọng đối thủ, tinh thần minh bạch trong cuộc chơi…, tất cả đã làm nên một Olympic thành công mỹ mãn.

Bất kỳ ai không tuân thủ tinh thần cao đẹp của cuộc chơi chắc chắn sẽ bị loại (tiêu biểu là 8 vận động viên cầu lông của các nước Châu Á bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia).

Vẫn biết rằng mọi so sánh đều là khập khiễng, nhưng rõ ràng có sự khác biệt rất lớn giữa Olympic và các đại hội thể thao khu vực như SEA Games hay ASIA Games.

Bài học về tinh thần Olympic cũng là bài học giá trị cho các doanh nghiệp (DN) Việt nam trong hành trình từ “ao làng” ra “biển lớn”. Cụ thể:

Bài học về tinh thần tôn trọng 

Khi các DN Việt Nam có kế hoạch vươn ra thị trường nước ngoài thì yếu tố tôn trọng luật pháp, tôn trọng văn hóa, con người và tôn trọng đối thủ cạnh tranh ở thị trường mới là yếu tố tiên quyết đảm bảo đưa DN đi đúng hướng và phát triển. Đồng thời phải đảm bảo hài hòa lợi ích của DN với lợi ích của cộng đồng nơi DN mình đặt cơ sở kinh doanh. Như Tôn Tử từng nói: “Biết mình biết người” thì mới “trăm trận trăm thắng”.

Bài học về tính trung thực minh bạch 

Việt Nam đã gia nhập sân chơi toàn cầu là WTO, đang đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nghĩa là chúng ta phải chấp nhận và tuân thủ luật chơi trong đó yếu tố minh bạch và trung thực được đặt lên hàng đầu. Có như vậy thì sự phát triển của DN từ “ao làng” ra “biển lớn” mới bền vững được.

 

Minh bạch trong hoạt động bao gồm: chiến lược, kế hoạch kinh doanh rõ ràng; minh bạch trong công bố thông tin, trong báo cáo tài chính, báo cáo kết quả kinh doanh.

Phải xác định rõ ràng: minh bạch hay là phá sản? Và phải có cơ chế giám sát và thực hiện việc tuân thủ cơ chế minh bạch một cách chặt chẽ. Bài học của HSBC và Standard Chater gần đây bị Mỹ khui ra hàng loạt hoạt động tiếp tay cho tội phạm trong hoạt động rửa tiền và đang đối mặt với án phạt nặng của Mỹ là ví dụ tiêu biểu cho chúng ta tham khảo.

Bài học về tinh thần đoàn kết, vượt khó để vươn ra biển lớn

Vẫn biết rằng để vươn mình ra biển lớn thì sẽ phải đối mặt với nhiều con sóng lớn, thậm chí cả sóng thần. Chắc chắn DN Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn thách thức không chỉ trong cạnh tranh mà còn về môi trường kinh doanh, về văn hóa, về luật lệ và về nguồn lực.

Tuy nhiên chúng ta dám ước mơ và có kế hoach biến ước mơ của mình thành hiện thực. Muốn đạt được điều đó thì tinh thần đoàn kết tập hợp được trí tuệ và nguồn lực quan trọng nữa là tinh thần dám vượt khó.

Cá nhân tôi tin rằng con người Việt, trí tuệ Việt và DN Việt hội đủ các yếu tố này để sẵn sàng vươn mình ra biển lớn trong tương lai gần.

(Sưu tầm)

http://noisachsachnoi.wordpress.com

LÒNG TIN – CHÌA KHOÁ THÀNH CÔNG CỦA LÃNH ĐẠO

Lãnh đạo, giao việc hay phân quyền đều là những chủ đề rất cũ, rất là đơn giản và rất dễ hiểu tại sao cho đến nay nó vẫn là “gót chân Asin” của các cấp quản lý trong các doanh nghiệp Việt?

 

Một phát hiện khá thú vị, người ta thấy những doanh nhân châu Á vai xuôi nhưng vai của doanh nhân châu Âu là vai ngang và rất vững chãi. Người ta lí giải cho sự khác biệt này đó là do vai của các CEO châu Á phải “gánh vác” quá nhiều trong khi đó các ông chủ trong các doanh nghiệp (DN) phương Tây luôn biết cách san sẻ công việc, trao quyền và giao việc cho nhân viên cấp dưới, nên đôi vai của họ không bị trĩu xuống như vai của người châu Á.

Nguyên nhân chính vẫn do các sếp tự làm khó làm khổ chính mình

Tâm lý phổ biến của các sếp là luôn sợ nhân viên làm sai, luôn suy nghĩ mình làm sẽ nhanh hơn nhân viên và thậm chí là nhiều sếp biết nhiều nhưng không dám chỉ hết cho nhân viên bởi sợ một ngày nào đó nhân viên sẽ giỏi hơn và vị trí của sếp sẽ không được “an toàn” v.v…

Những quan niệm của sếp đã đẩy nhân viên có thái độ ỷ lại, dựa dẫm vào sếp, hình thành nên những suy nghĩ tiêu cực rằng sếp ôm hết việc, sếp quyết hết, sếp giỏi nhất, sếp làm nhanh nhất, sếp làm ít hư nhất… nên mình chẳng dại gì “tranh việc” với sếp!

Và kết quả là các doanh nhân Việt làm việc luôn tay luôn chân mà không lúc nào hết việc. Đầu óc lúc nào cũng căng như dây đàn. Doanh nhân Việt được xếp thứ ba trong bảng xếp hàng stress toàn thế giới, chỉ sau đồng nghiệp Trung Quốc và Mexico.

Tại sao doanh nhân châu Á nói chung và doanh nhân Việt nói riêng không học theo các doanh nhân phương Tây, học cách trao quyền và giao việc cho nhân viên để giảm áp lực cho bản thân cũng đồng thời là một cách hiệu quả để nâng hiệu suất công việc?

Người ta chẩn đoán ra khá nhiều lí do nhưng chung quy nhất vẫn là do lãnh đạo thiếu lòng tin với nhân viên.

Chừng nào bài toán lòng tin giữa lãnh đạo và nhân viên, nhân viên với công ty được giải quyết thì những khó khăn trong phân cấp và giao quyền chắc chắn sẽ được hóa giải.

Anh Trần Đình Dũng, sáng lập viên và Giám đốc Điều hành Trung tâm Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Khuê Văn, một nhà tư vấn quản trị chuyên nghiệp cho biết: Lòng tin là một công cụ vô hình nhưng đầy sức mạnh để giúp nhà lãnh đạo, quản lý làm việc với nhân viên một cách hiệu quả nhất.

Trong các DN ở các nước phát triển, người ta có hẳn một bộ phận quản trị lòng tin. Các nhà quản lý, lãnh đạo học cách gần gũi với nhân viên để hiểu và xây dựng lòng tin với nhân viên thông qua các cấp, các bộ phận để đến từng nhân viên.

Cách của các CEO Mỹ là nhân viên nào làm được việc, làm tốt công việc sẽ được lãnh đạo tin tưởng giao hẳn công việc đó. Họ sẽ đi làm công việc khác và chỉ giữ vai trò giám sát công việc của nhân viên. Nguyên tắc của doanh nhân Mỹ là “empower and delegate” (trao quyền và giao) để nhân viên có mọi quyền hành để xử lý công việc và tự chịu trách nhiệm với công việc. Và thực tế cho thấy, nhân viên rất “khoái” được làm việc theo cách lãnh đạo trao quyền- giao việc như thế này. Họ làm việc “xung” hơn, hiệu quả hơn với vai trò là một người làm việc chủ động, chuyên nghiệp chứ không còn là một “Doer” hoặc “Followe” (Người làm theo).

Các DN ở Mỹ đã thực hiện trao quyền, giao việc giữa lãnh đạo và nhân viên từ cách đây 200 năm nhưng đến nay, các ông chủ Việt mới bắt đầu làm quen với các khái niệm này. Đến đây, hẳn ai cũng đã hiểu tại sao bài toán quản trị vẫn là “gót chân Asin” của các DN Việt.

Theo anh Dũng, cách quản trị thông minh là DN hãy để nhân viên mắc nợ một tấm lòng từ những giá trị lòng tin đã tạo lập trong nhân viên.

Cùng quan điểm với anh Dũng, chị Tô Hồng Trang, Phó Tổng Giám đốc của Tập đoàn DGW cũng khắng định:  DN giao quyền và phân việc là thực sự cần thiết trong thời kỳ hội nhập. Và chỉ khi đạt được sự đồng thuận, tức là tạo dựng được niềm tin giữa lãnh đạo với nhân viên và ngược lại, DN sẽ phát triển bền vững.

Chị Trang cũng cho rằng, xây dựng lòng tin trong phân quyền, giao việc cho nhân viên nên được thực hiện theo những quy trình để đôi bên có thể kiểm soát và đánh giá được những công việc đã thực hiện. Ví dụ như, khi giao việc cho nhân viên phải kèm theo bản mô tả công việc và trách nhiệm của nhân viên với từng công việc cụ thể. Thuật ngữ quản trị gọi tắt KPI (Chỉ số đo lường hiệu suất). Trong một KPI, thay vì nói “Em hãy làm công việc này tốt nhất có thể/ Em hãy làm bằng tất cả khả năng của em”, các nhà quản lý hãy nói rõ thời gian, trách nhiệm và kết quả yêu cầu nhân viên phải đạt được. Chẳng hạn như, “Trong vòng… ngày/tháng, em phải hoàn thành cho chị bản báo cáo thuế. Yêu cầu không được sửa lại quá 3 lần” v.v…

Theo chị Trang, với những mô tả công việc cụ thể như thế, nhân viên sẽ biết được mục tiêu và trách nhiệm để làm việc hiệu quả hơn và lãnh đạo cũng đánh giá được kết quả làm việc của cấp dưới công bằng và minh bạch hơn. Nhờ đó, thưởng phạt phân minh, công bằng tạo thêm động lực làm việc và gắn kết nhân viên với DN.

Chị Trần Hoài Anh, Giám đốc của  một công ty tổ chức sự kiện ở TP.HCM kết luận: Tố chất của một một nhà lãnh đạo giỏi là nhìn thấy được khả năng tiềm ẩn trong từng nhân viên. Chỉ khi người lãnh đạo xây dựng được một niềm tin vững chắc với nhân viên, người lãnh đạo mới có thể phát huy được tố chất ưu việt này.

Lòng tin của sếp phải nên được chia đều tới từng nhân viên. “Thật vô lý, khi DN thuê đến 10 nhân viên nhưng lãnh đạo chỉ dồn công việc vào một người duy nhất”, chị Hoài Anh chia sẻ.

Và theo chị Hoài Anh, nghệ thuật trao quyền và phân việc cho nhân viên là các sếp phải biết chấp nhận sự khác biệt trong giải quyết công việc của nhân viên. Lãnh đạo có thể sai lầm và nhân viên cũng vậy. Người chủ DN cần phải học cách nhẫn nại với sai lầm của nhân viên, tin tưởng vào khả năng, năng lực của họ để hỗ trợ nhân viên vượt qua nỗi sợ hãi, khắc phục những sai lầm. Nếu làm được như thế, các CEO có thể xây dựng được cho mình một lớp nhân sự kế cận có năng lực và đáng tin cậy, DN sẽ không còn phải đối mặt với khủng hoảng nhân sự nếu có bất trắc xảy đến.

(Sưu tầm)

http://noisachsachnoi.wordpress.com

NGHỆ THUÂT “CHỐT SALE”

Trong kinh doanh, cái gật đầu “đồng ý mua” chỉ là bước khởi đầu cho quá trình giao dịch thực sự. Thậm chí nếu bạn đã nắm chắc những thỏa thuận trong tay, vẫn có nhiều rào cản không ngờ sẽ xảy ra và ngăn chặn việc giao dịch. 

Bất kỳ bên bán nào cũng muốn đẩy nhanh tiến độ ký hợp đồng hết mức có thể. Tuy nhiên, giao dịch giữa doanh nghiệp khác với cách mua sắm của người tiêu dùng độc lập, nó hoàn toàn không phải là một quyết định cá nhân.

 

Dù giao dịch có tầm quan trọng thế nào hay mong muốn của lãnh đạo ra sao, các tổ chức đều cần phải đạt được một sự nhất trí cao trong nội bộ, rằng việc mua bán sẽ thực sự hiệu quả.

Vì vậy, nếu đối tác của bạn chưa đưa ra được quyết định, thì tiến trình ký hợp đồng có thể kéo dài cả năm.

Những tình huống này xảy ra đa phần do bạn đã không nắm rõ thói quen mua bán của đối tác, dẫn đến việc không xác định được cơ hội tiếp cận và khiến bạn khó có cơ hội “chốt” hợp đồng.

Ghi nhận quá trình giao dịch

Nhằm tránh những tình huống tốn kém và khó chịu này, hãy tìm hiểu thói quen mua bán của đối tác qua các giao dịch trong lịch sử. Điều này không chỉ giúp nâng doanh thu mà còn giảm thiểu được chi phí bán hàng. Bạn không phải đau đầu vì những hợp đồng không có giá trị.

Theo Julie Thomas, Tổng giám đốc Công ty đào tạo kỹ năng bán hàng ValueSelling Associated, khi bạn tin rằng mình đang nắm chắc cơ hội trong tay thì bước tiếp theo, bạn hãy cụ thể hóa những thỏa thuận đó với đối tác bằng văn bản ghi nhớ.

Văn bản này ghi lại toàn bộ các thông tin cần thiết cho giao dịch như thông tin của các bên liên quan, rủi ro tiềm tàng cũng như những yêu cầu đối với quá trình giao dịch.

Một lưu ý quan trọng: Văn bản thỏa thuận về quá trình giao dịch không được nghiêm trọng hóa, gây tác động xấu đến tinh thần của giao dịch. Tránh những câu hỏi quá trực tiếp kiểu như “Ai là người đưa ra quyết định thực sự?”. Thay vào đó, hãy sử dụng những câu hỏi khéo léo hơn nhưng phải đảm bảo sự rõ ràng và dễ hiểu.

Nếu có thể, hãy làm việc với nhiều đầu mối khác nhau của đối tác để thương thảo văn bản. Hãy khuyến khích họ rà soát, đối kiểm lại văn bản với các bộ phận khác để đảm bảo tính chính xác.

Sử dụng văn bản

Văn bản ghi nhận quá trình giao dịch có rất nhiều vai trò. Trước hết, nó là một bản hướng dẫn thực hiện đảm bảo thỏa thuận diễn ra thuận lợi theo đúng dự tính.

Văn bản còn thể hiện cơ hội hợp tác trong tương lai giữa bạn và khách hàng. Thông thường, kể từ khi giao dịch đầu tiên tiến hành ổn thỏa, thì các giao dịch tiếp theo chỉ cần một chút thay đổi hoặc cập nhật nhỏ liên quan đến thông tin tổ chức hoặc quá trình giao dịch.

Cuối cùng, văn bản này là cầu nối giữa giữa bạn và đối tác: dựa trên các thông tin trong văn bản, các bộ phận khác nhau trong công ty có thể nắm vững tiến trình các giao dịch đã tiến hành và đưa ra những yêu cầu cần thiết cho mối quan hệ thuận lợi sau này.

(Sưu tầm)

http://noisachsachnoi.wordpress.com

HÃY HÀNH ĐỘNG CHO TỚI LÚC THÀNH CÔNG

Chìa khóa của thành công là hãy làm cho đến khi thành công. Phương châm này đã được ông Đinh Văn Phước ứng dụng sau non nửa thế kỷ học, làm việc và thành công ở xứ người.

 

Ông Đinh Văn Phước (tên theo quốc tịch Nhật là Fukukazu Kato) xuất thân là kỹ sư cơ khí. Sau 45 năm làm việc ở Nhật, ông trở thành thuyền trưởng của một công ty 100% vốn của Nhật. Ông là người Việt duy nhất làm việc tại công ty Tsubaki Yamakyu (Tokyo, Nhật). Ông Phước đã làm, sáng tạo và được công nhận trong môi trường kinh doanh của Nhật.

Bài học kinh doanh từ người Nhật

 

Ông Đinh Văn Phước, CEO và là người Việt duy nhất làm việc tại Công ty Tsubaki Yamakyu Chain (Tokyo, Nhật).

Cách đây 6 năm, tập đoàn Tsubakimoto Chain (Kyoto, Nhật) mua lại quá bán cổ phần của Công ty Yamakyu Chain mà ông Phước lúc đó đang là Giám đốc điều hành. Yamakyu Chain ngay sau đó đổi tên thành Tsubaki Yamakyu Chain. Tháng 6/2010, ông được cắt đặt vào vị trí Tổng Giám đốc của liên doanh mới này, Tsubakimoto Chain là tập đoàn chuyên sản xuất các loại sên xích lớn nhất của Nhật và nhiều sản phẩm cơ khí khác, phục vụ hầu hết các ngành công nghệ tại thị trường Nhật và thế giới.

 

Để ngồi được ở vị trí quản trị cao cấp trong một công ty Nhật là điều không dễ đối với một kỹ sư gốc Việt. Theo ông Phước, bí quyết này được gói ghém gọn trong 3 chữ P (Passion, Prioritizing và Patience). Đó là đam mê hết mình với công việc, tối ưu hóa các mục tiêu và kiên trì thực hiện.

Như vậy, ưu tiên đầu tiên của một kỹ sư cơ khí là gì? “Là chế tạo”, ông Phước nói ngay. Trong những năm tháng còn trẻ, làm việc tại Công ty Yamakyu Chain, ông đưa ra đề nghị chế tạo những tấm xích bằng nhựa, dùng làm băng tải vận chuyển dây chuyền sản xuất có chai thủy tinh, lon, chai PET trong các nhà máy sản xuất nước giải khát, nước suối, mì gói, rượu, bia và bán ra thị trường Nhật và thế giới. Năm 2006, với mục đích mở rộng hơn thị trường thế giới, Công ty đã quyết định bán cổ phần, sáp nhập vào Tập đoàn Tsubakimoto Chain như hiện nay.

“Biết tận dụng được hệ thống phân phối chuyên nghiệp của một tập đoàn lớn là con đường ngắn nhất để doanh nghiệp nhỏ bước ra thị trường quốc tế”, ông Phước giải thích. Ông quan niệm: “Kinh doanh có nghĩa là phải mở rộng và có thêm nhiều khách hàng mới, nếu kinh doanh mà không tìm thêm khách hàng mới thì tất yếu sẽ lâm vào tình trạng bế tắc”.

Cũng chính học tính kiên nhẫn trong kinh doanh, ông nhớ lại, cách đây khoảng 25 năm, ông cũng từng mất 3 năm và tốn khoảng 1-1,5 triệu USD để “sửa sai” cho một loạt sản phẩm đã bán cho khách hàng. ông quyết định phải thay mới hoàn toàn. Chấp nhận lỗ để làm hài lòng khách hàng, “điều chúng tôi có được chính là sự kính nể và trung thành của khách hàng sau đó”, ông cho biết. Với cách xử lý này, một người bạn cũng là Việt kiều Nhật đi cùng ông gặp chúng tôi, nhận xét: “Đó là tinh thần võ sĩ đạo của Nhật”.

Nói như vậy, trong 45 năm sống và làm việc ở xứ người, dường như khó khăn thất bại ít gõ cửa nhà ông Phước. “Khi có khả năng, có chí kiên trì và biết tập trung trong công việc, ta khó thất bại”, ông Phước nói.

Từ năm 1992, ông Phước đã đưa sản phẩm sên xích làm bằng thép dưới thương hiệu Maxton của Công ty Yamakyu vào Việt Nam. Thế nhưng, sau gần 10 năm, theo ông Phước, sản phẩm này vẫn chưa thành công tại thị trường này như mong muốn. Không né tránh câu hỏi chưa thành công tại Việt Nam, ông Phước ví von: “Có thể tôi phải mang đôi giày mới để tiếp tục với thị trường này”.

Hình như ông Phước đang nói ẩn ý với câu nói đại ý: không nên để một vị tướng tài ra trận bằng đôi giày rách. Vậy “đôi giày mới” nào sẽ được Tsubaki Yamakyu Chain mang vào thị trường Việt Nam thì ông Phước xin phép từ chối tiết lộ bởi đó là chiến lược chưa được phép công bố của Công ty. “Chìa khóa của thành công là làm cho đến khi thành công”, ông nói.

Cầu học và cầu tiến

Sống tại Nhật, ông Phước có vợ người Nhật và một cô con gái hiện là Tiến sĩ Sinh học. Người bạn đời của ông đã qua đời cách đây 3 năm. Kể từ đó, ông Phước đi về một mình. Ông hay nói “đi Việt Nam” và “về Nhật”. Bạn bè thắc mắc, ông lúng túng giải thích, cũng dễ hiểu thôi, tôi đã gắn bó với đất nước này non nửa thế kỷ.

Ông Lê Tiến Cường, Việt kiều Canada, người có nhiều năm cùng làm việc, kết bạn với ông, khi hay tin ông Phước về làm CEO cho Công ty Tsubaki Yamakyu Chain, nhận xét trên diễn đàn cựu du học sinh Nhật: Anh Phước luôn luôn từ tốn trước mọi tình huống, giàu kinh nghiệm trong đối nhân xử thế. Phải nói anh là một người Việt Nam duy nhất mà tôi thấy mang đậm cá tính của một người Nhật về mặt sống, học vấn và mẫu mực trong công việc.

Ngoài bí quyết 3P, ông Phước cũng chia sẻ thêm tiêu chí sống 4S của mình. Đó là sharing (chia sẻ), simple (đơn giản), speech (nhanh) và smile (cười). “Không phải tự nhiên mà tôi bước qua tuổi 60. Tôi sống, làm việc và trải nghiệm đến lúc này để có được những chữ đó”, ông bộc bạch.

Không chỉ làm kinh doanh, ông Phước còn là thành viên nhóm khoảng 10 người Việt tại Nhật chuyên dịch những tác phẩm văn học Nhật sang tiếng Việt. Ông đã dịch tác phẩm “Con ruồi” của nhà văn Yokomitsu Riichi, “Một chùm nho” của Arishima Takeo, “Sợi tơ nhện” của Akutagawa Ryunosuke và nhiều truyện ngắn khác. Gần đây, ông là chủ biên của tập “Trinh tiết” (Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, năm 2006) gồm 30 truyện ngắn chọn lọc của Akutagawa Ryunosuke.

Bạn bè có vẻ dành nhiều lời ưu ái sau thành công vượt trội của ông Phước ở Nhật. Song với ông, triết lý sống chỉ giản dị trong 4 chữ: Cầu học và cầu tiến. Triết lý đơn giản này đã theo ông không chỉ trong những ngày còn ngồi ở giảng đường đại học mà đến nay, khi 69 tuổi, ông vẫn luôn trung thành với nó.

(Sưu tầm)

http://noisachsachnoi.wordpress.com

TỐ CHẤT LÃNH ĐẠO

Dù bạn không có năng khiếu lãnh đạo bẩm sinh, bạn vẫn có thể rèn luyện, tăng cường khả năng quản lý của mình. Bất cứ một người lãnh đạo thành công nào cũng có những tố chất sau đây.

Trông đợi sự thừa nhận. Bất kể bạn đang ở vị trí nào, hãy tin rằng sẽ có ngày bạn ngồi vào chiếc ghế quản lý. Hãy cố gắng ngay từ bây giờ để đạt được vị trí đó, và chứng tỏ cho mọi người thấy là nó xứng đáng với bạn.

Kiểm soát thái độ. Thành công trong kinh doanh dựa nhiều trên thái độ, hơn là năng lực, xét về mặt tinh thần. Hãy lạc quan với chính mình, người khác và cuộc sống. Hãy bước vào phòng với lò xo ở mỗi bước chân và nụ cười trên khuôn mặt.

Hoàn chỉnh tư thế. 
Hóp bụng, ưỡn ngực, bẻ mạnh 2 vai ra đằng sau. Hít sâu. Bạn không chỉ trông đẹp hơn, mà còn cảm thấy tràn đầy năng lượng, tỉnh táo và tự chủ.

Nghĩ trước khi nói. Nghĩ nhanh, dừng lại, rồi nói một cách quả quyết. Một ông chủ đã luyện tập tự nói chuyện với mình trước khi cất thành lời để có thể nghe được được giọng nói và sửa đổi khi cần thiết.

Từ tốn. Nhanh nhẩu trong lời nói, cử động, tác phong và đi đứng khiến bạn trông bất an và hốt hoảng. Những người này sẽ dễ bị bỏ qua, không được thăng tiến hoặc tuyển chọn. Hãy học cách nói chuyện một cách thoải mái, từ tốn và thân thiện. Không lãng phí thời gian, nhưng hãy nói như thể bạn có tất cả thời gian trên thế giới này cho những người đang lắng nghe bạn.

Thẳng thắn. 
Tất cả những gì bạn viết hay nói cần phải được thực hiện một cách thẳng thắn, giản đơn.

Biết kể chuyện. Mọi người sẽ hiểu bạn rõ hơn, ghi nhớ những lời bạn nói lâu hơn và cảm thấy bạn thông minh và thú vị hơn, nếu bạn biết sử dụng các giai thoại để làm rõ ý của mình.

Chú ý đến phong cách. Quần áo không tạo nên người đàn ông nhưng tạo nên sự khác biệt. Mặc các trang phục chỉnh tề, chất lượng tốt sẽ làm bạn ra dáng ông chủ hơn. Nhưng vẻ bề ngoài vẫn không quan trọng bằng cách bạn nhìn nhận sự việc và những gì mọi người thấy khi nhìn vào bạn.

Thừa nhận sai lầm. 
Nếu bạn không mắc một lỗi nào, tức là bạn chẳng nỗ lực làm một việc nào.

Không được để uy hiếp. Nếu bạn bị phê bình bất công, đừng mắc mưu và lao vào cuộc tranh cãi. Hãy hỏi lại một cách bình tĩnh: “Vì sao anh lại nghĩ như vậy?”, “Anh nói thế nghĩa là gì?”, hoặc “Dựa vào đâu mà anh nghĩ như vậy?”.

Linh hoạt. 
Làm sao để vừa nổi bật trong khi vẫn hoà nhập với đám đông.

Thoải mái với chính mình và người khác. Nhìn thẳng vào mắt người khác, loại bỏ mọi dấu hiệu của sự phòng ngự, và hạ thấp giọng. Đừng bao giờ để họ nhìn thấy bạn đang toát mồ hôi.

(Sưu tầm)

http://noisachsachnoi.wordpress.com

ĐỘNG VIÊN NHỮNG PHÁT MINH NHỎ

Ngay cả những nhân viên bình thường nhất cũng có thể có những phát minh làm lợi cho công ty, nếu người lãnh đạo biết khuyến khích đúng cách.

Ngay cả những nhân viên bình thường nhất cũng có thể có những phát minh làm lợi cho công ty, nếu người lãnh đạo biết khuyến khích đúng cách.

Buổi ra mắt Apple iPad khiến nhiều người phải nghĩ đến những phát minh bắt nguồn từ các ý tưởng lớn.

Những phát minh như vậy đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với tương lai của công ty, nhưng các công ty lại thường tự cản trở mình bằng cách chỉ tập trung tìm kiếm những ý tưởng lớn tiếp theo, trong khi thực tế, ý tưởng nhỏ tiếp theo có thể sinh lời lớn hơn.

Nhân viên càng được khuyến khích suy nghĩ sáng tạo và áp dụng sự sáng tạo ấy, công ty càng hoạt động linh hoạt. Khi bạn loại bỏ áp lực ép mọi người phải nghĩ ra một ý tưởng “lớn”, bạn đang khuyến khích sự sáng tạo có thể mang lại những phát minh rất giá trị.

Rút cục thì một dịch vụ hay sản phẩm mới có thể sẽ ra đời, nhưng nhiều khả năng là bạn sẽ tối ưu hóa được chi phí, chất lượng, hiệu suất và tốc độ của mình.

Về cơ bản, phát minh là áp dụng sự sáng tạo. Và hầu hết các nhân viên đều có thể được khích lệ để trở nên sáng tạo, nếu bạn mong muốn họ như vậy.

Bạn làm thế nào để khuyến khích những cải cách nhỏ?

Tư duy nhỏ.

Cái hay của các phát minh nhỏ là chúng tập trung vào những vấn đề tức thời, chứ không phải việc tìm kiếm cách thức mới hay thay đổi sản phẩm mới. Hãy khuyến khích nhân viên của bạn tìm ra giải pháp cho một vấn đề, hoặc một cách tốt hơn để làm việc gì đó.

Thử đặt câu hỏi: Bộ phận kế toán sắp xếp trình tự lập hóa đơn thế nào? Bộ phận dịch vụ khách hàng giải quyết vấn đề qua điện thoại thế nào khi không có giám sát viên can thiệp? Làm thế nào để các kỹ sư thiết kế sản phẩm có nhiều thời gian hơn với khách hàng? Sử dụng những câu hỏi đó sẽ giúp mọi người gây dựng ý tưởng. Không phải mọi ý tưởng đều tuyệt vời, nhưng đó chính là điểm mấu chốt. Bạn muốn thu thập nhiều ý tưởng, cải tiến chúng, và chọn cái tốt nhất để thực thi.

Thực thi cục bộ.

Vì hầu hết các ý tưởng nhỏ đều chỉ giới hạn trong một bộ phận hay một chức năng nào đó,  nên hãy thực hiện chúng càng sớm càng tốt. Nếu ý tưởng đó không hoạt động hiệu quả như mong đợi, đừng vội vàng từ bỏ nó – mà hãy xem bạn có thể chỉnh sửa nó hay không.

Bản thân việc thực thi ý tưởng cũng có thể được sáng tạo và đôi khi, người ta phải mất nhiều lần thử để khiến những ý tưởng cách tân hoạt động hiệu quả như mong đợi, hoặc trên cả mong đợi.

Xúc tiến rộng rãi.

Bạn cần phải nhận ra những người có tư tưởng cải cách và ủng hộ cải cách. Nhiều tổ chức còn có ưu đãi cho những nỗ lực như vậy, từ đủ loại phiếu quà tặng cho đến các khoản tiền thưởng lớn cho những cải cách có tác động tích cực lên toàn công ty. Quan trọng là phải nhận ra đúng người, và thực hiện đúng thời điểm.

Khuyến khích những cải cách nhỏ chỉ là một phần trong bài toán quản trị. Việc thực hiện cải cách cũng rất quan trọng. Không có sự sáng tạo nào có thể  bù đắp cho việc chậm thời hạn, ngân sách bội chi lớn, khách hàng không hài lòng, hay báo cáo lãi, lỗ mất cân bằng. Bạn cần phải tập trung vào từng chi tiết để thực hiện.

Bạn cũng có thể thấy được một ích lợi khác từ những cải cách nhỏ: tận dụng trí tuệ tập thể từ đội ngũ nhân viên của bạn. Họ là cộng sự của bạn, và nếu làm như vậy, họ sẽ hiểu rằng bạn sẵn sàng hoan nghênh và khen thưởng những ý tưởng của họ.
(Sưu tầm)

KINH DOANH TRONG THỜI KHỦNG HOẢNG

Trong bối cảnh bức tranh kinh tế của năm 2012 được các chuyên gia kinh tế phác thảo không mấy sáng sủa, TS Alan Phan, Chủ tịch Quỹ Đầu tư Viasa, khiến người ta ngỡ ngàng với khẳng định: Đây là cơ hội tuyệt vời để kiếm tiền!

 

 

Trong thực tế kinh doanh, đồng tiền luôn thay đổi và dịch chuyển từ nơi này sang nơi khác và khủng hoảng còn là cơ hội để người ta kiếm tiền. Mỗi ngày có tới 400-500 tỷ USD luân chuyển trên thị trường thế giới. Thị trường không thiếu vốn, Việt Nam cũng không thiếu vốn…

 

Cách thức lý luận mà TS Alan Phan đưa ra khiến người nghe liên tưởng đến lưu ý của giáo sư John Snown – nguyên Bộ trưởng Bộ Ngân khố Hoa Kỳ, trong lần diễn thuyết tại Việt Nam hồi tháng 11: “Đồng tiền chỉ đến với nơi nào được đối xử tốt”. Và lẽ dĩ nhiên, muốn đồng tiền đến với doanh nghiệp mình, người chủ doanh nghiệp phải biết cách đối xử với đồng tiền khôn ngoan ấy!

Bạc tóc vì không biết rót vốn vào đâu

Có một người bạn đang chịu sức ép về việc phải giải ngân 100 triệu USD vào các doanh nghiệp Việt Nam đã tìm đến TS Alan Phan để nhờ cung cấp thông tin. Sau 9 tháng gặp lại, TS Alan Phan vô cùng ngạc nhiên khi thấy người bạn của mình đã bạc cả tóc, hỏi ra mới biết, ông không thể tìm được đối tác nào hội đủ các điều kiện để rót vốn. Nhiệm vụ bất khả thi khiến ông này có nguy cơ bị sa thải.

Câu chuyện được TS Alan Phan dẫn ra khi vấn đề thiếu vốn triền miên của các doanh nghiệp Việt Nam được xới lên. “Chúng ta không thiếu vốn mà chỉ thiếu những ý tưởng kinh doanh, những sản phẩm đặc thù và thiếu sự minh bạch trong quản trị doanh nghiệp”, TS Alan Phan nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, một người cũng có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại thị trường Mỹ như ông Alan Phan cho rằng, rất ít doanh nghiệp Việt Nam đảm bảo được yếu tố công khai, minh bạch trong hoạt động, vậy nên rất khó để họ có thể phát hành trái phiếu doanh nghiệp một cách hiệu quả. “Nhiều chủ doanh nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu công bố thông tin không chính xác”, ông Thành nói.

Nhìn ở góc độ khác, chưa bao giờ kết quả kinh doanh của giới doanh nghiệp Việt Nam ảm đạm như hiện nay. Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp thực sự phải tạm dừng hoạt động hay giải thể đang ngày một gia tăng, dẫu chưa cơ quan nào đưa ra được một con số thống kê đáng tin cậy.

Tình hình sẽ còn xấu hơn nếu kinh tế khu vực và thế giới xấu đi trong năm 2012 và ngân hàng không mở hầu bao cho số đông doanh nghiệp. Vậy bài toán vốn này cần phải giải như thế nào?

Gõ cửa ngân hàng

 

Đã từng là Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rồi Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, bà Dương Thu Hương hẳn không xa lạ với hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam. Bà dẫn ra con số: tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên vốn vay của doanh nghiệp Việt Nam hiện ở mức 1/20, cá biệt còn lên đến 1/30. “Điều này cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam hiện lệ thuộc rất nhiều vào vốn vay bên ngoài, chủ yếu là từ ngân hàng”, bà Hương nhận xét.

 

Theo những thông điệp chính sách phát đi từ Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bà Hương cho rằng, có thể tin tưởng doanh nghiệp sẽ có cơ hội vay được vốn với điều kiện tốt hơn trong năm 2012. Tuy nhiên, ông Phạm Quang Dũng, Phó TGĐ ngân hàng Vietcombank, lại nhìn nhận một cách thực tế hơn khi khẳng định: điều đó chỉ đúng với những doanh nghiệp mạnh khỏe, khách hàng lâu năm của ngân hàng!

Điều này có thể hiểu được trong bối cảnh hiện nay, theo cách diễn đạt của TS Lê Xuân Nghĩa là “đến các ngân hàng lớn cũng còn run. Bản thân các ngân hàng cũng đang phải lo toan với những vấn đề của chính mình thì việc tăng trưởng tín dụng đối với khối sản xuất hay phi sản xuất cũng đều phải dựa vào những cân nhắc rất thận trọng và từ cả những chỉ dấu chính sách”.

Tuy có ý kiến phản biện lại nhận xét của ông Bùi Kiến Thành về việc các ngân hàng thương mại hiện nay chỉ cho vay dựa vào tài sản thế chấp, bà Dương Thu Hương cũng phải thừa nhận một thực tế rằng: việc cho vay theo dòng tiền, cho vay theo dự án đã được các ngân hàng triển khai lâu nay, nhưng chưa nhiều và chưa hiệu quả.

Trong khi trò chuyện riêng với Doanh Nhân, bà cho rằng, với cơ chế hiện nay, các ngân hàng chưa đủ năng lực để thẩm định dự án hay nhìn nhận dài hơn, xa hơn cho một vòng đời dự án cũng như kiểm soát cho vay theo dự án để quyết định cho vay.

Yếu tố cốt lõi vẫn là sự thiếu minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp tạo nên mối e ngại lớn của các ngân hàng, bà Hương nói. Như vậy, quả bóng một lần nữa lại được chuyển sang sân của doanh nghiệp, bởi xét đến cùng, để có thể vay được vốn đã đến lúc doanh nghiệp không nên chỉ nghĩ đến việc đem tài sản ra thế chấp mà cần phải thay đổi cung cách tiếp cận nguồn vốn đầu tư.

Kênh nào ra vốn đầu tư?

Thông thường các doanh nghiệp tìm vốn ở các nguồn quen thuộc như các cổ đông hiện hữu, bạn bè, người thân trong gia đình, các đối tác hiện có, ngân hàng và một số nguồn không chính thống khác.

Một mặt chỉ ra thói quen huy động vốn này của doanh nghiệp Việt Nam, mặt khác TS Alan Phan đưa ra khuyến nghị về vai trò của các nhà đầu tư trong việc tìm kiếm vốn của các doanh nghiệp. Đó là các quỹ đầu tư, đối tác chiến lược, các nhà đầu tư cá nhân, các khách hàng, nhà cung cấp… Trong đó, theo ông Alan Phan, các doanh nghiệp nên chú ý đến việc bắt tay với các công ty bảo hiểm, các công ty cho thuê tài sản và thậm chí cả hình thức thuê ngoài (outsourcing)…

Với những doanh nghiệp đủ sức và đủ minh bạch, lời khuyên của ông chính là việc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ – một thị trường tài chính lớn nhất thế giới với đủ mọi tầm cỡ của doanh nghiệp.

Có thể lời khuyên của ông Alan Phan chưa thật thích hợp với đa số các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Nhưng việc khuyến nghị nên nghĩ xa hơn, bớt lệ thuộc vào ngân hàng, tự nghĩ cách tìm kiếm nguồn vốn ở những thị trường bên ngoài như: Đông Nam Á, Trung Quốc, Mỹ hay châu Âu là điều mà doanh nghiệp cũng nên cân nhắc khi chuẩn bị đón năm 2012 – một năm mà kịch bản kinh tế được dự báo là rất xấu. Muốn vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần vươn đến những chuẩn mực hoạt động cao hơn.

Ông Thomas LanYi, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Mekong Capital chia sẻ kinh nghiệm, trước khi quyết định đầu tư, họ xem xét rất kỹ về doanh nghiệp, không chỉ nhìn doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại mà nhìn xa hơn trong chiến lược trung và dài hạn của chính doanh nghiệp đó.

Thậm chí, mối quan tâm có thể rất cụ thể như: văn hóa doanh nghiệp; cơ chế đưa ra quyết định của doanh nghiệp; doanh nghiệp có tham vọng tham gia các “cuộc chơi” lớn không…

Nếu là một doanh nghiệp qui mô gia đình khi phát triển thì năng lực quản lý và lãnh đạo doanh nghiệp có theo kịp yêu cầu không; cơ chế chia sẻ thành công với các đối tác thế nào?…

Điều mà ông Thomas băn khoăn là các doanh nghiệp Việt Nam thường gặp khó khăn trong việc thuê CEO chất lượng cao, do vậy họ sẽ gặp khó khăn trong việc nâng cao chất lượng và chuẩn mực hoạt động. Theo ý kiến của ông Bùi Kiến Thành, để gọi được vốn các doanh nghiệp cần gia tăng kỹ năng đi vay theo dự án, phải trả lời được câu hỏi về dòng tiền của dự án.

Tiếp tục khuyến nghị đối với doanh nghiệp, TS Alan Phan đưa ra 5 yếu tố cần thiết khi vay vốn: Sáng tạo – kiên nhẫn – cách thức bán hàng – hiểu mình (lợi thế cạnh tranh, ban quản trị) và hiểu nhu cầu nhà đầu tư.

Và trước mỗi cuộc tiếp xúc vay vốn, doanh nghiệp cần đưa ra được danh sách các nguồn vốn tiềm năng; làm một phân tích SWOT; kế hoạch kinh doanh mới; báo cáo và dự phòng tài chính cũng như phải đưa ra được đề nghị về mức hoàn trả (ROI)…

Chỉ khi chuẩn bị được kỹ càng như vậy, câu chuyện vay vốn mới không trở thành nỗi ám ảnh của doanh nghiệp. “Nói như Tôn Tử, kết quả của trận chiến được quyết định trước khi phát súng đầu tiên khai hỏa”, TS Alan Phan kết luận một cách hình ảnh và cũng đầy ẩn ý.

Chuyên gia ngân hàng Dương Thu Hương

 

Làm sao để vốn vào được doanh nghiệp mà ngân hàng không đổ vỡ?

 

Trong bối cảnh mức lãi suất cho vay đứng ở mức trên 20%/năm, những doanh nghiệp khởi nghiệp và những doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp rất nhiều khó khăn về vốn. Muốn giải quyết được vấn đề này cần bàn tay của Nhà nước. Lấy ví dụ ở Đài Loan, người ta lập ra một quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ – động lực tăng trưởng kinh tế chính của vùng lãnh thổ này.

Ở Việt Nam, mô hình một quỹ tín dụng như vậy cũng đã được lập ra, nhưng chính hình thức cho vay dựa vào nguồn vốn từ ngân sách nhà nước kết hợp với vốn của ngân hàng đã khiến hoạt động của quỹ không hiệu quả. Việc đặt quỹ bảo lãnh tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam tạo nên sự rắc rối và có phần dồn trách nhiệm cho ngân hàng thực hiện. Ngân hàng Phát triển cho vay ra, nhưng không theo đến cùng dự án, rồi những khó khăn trong quá trình thẩm định dự án khiến cho việc vay vốn từ quỹ này nằm ngoài tầm với của đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam.

Để giải quyết bài toán vốn, ngoài nỗ lực của ngân hàng, của doanh nghiệp, cần đến bàn tay của Nhà nước. Chẳng hạn, cần hoàn thiện hơn nữa mô hình quỹ bảo lãnh và quỹ đầu tư mạo hiểm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngân hàng Nhà nước cũng cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại lập ra hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về các doanh nghiệp khách hàng, kết nối và theo dõi khách hàng theo quá trình một cách đầy đủ nhất. Có như vậy thì tài sản thế chấp mới không trở thành yêu cầu số 1 trong quá trình vay vốn – điều đang làm khó không ít doanh nghiệp.

Đằng sau số phận của mỗi doanh nghiệp là vấn đề an sinh xã hội. Nhiệm vụ chính trị của ngân hàng là phải hỗ trợ doanh nghiệp. Ngân hàng phải tương sinh cùng doanh nghiệp. Đây là thời điểm để cả doanh nghiệp và ngân hàng đổi mới cung cách vay và cho vay vốn.

(Sưu tầm)

Tham gia CLB Nói sách & Sách nói để cùng toả sáng bạn nhé… ^^

http://noisachsachnoi.wordpress.com

http://likeacademy.net